[US Series #2] Điều gì khiến New York là một thành phố thú vị? (P2)
Độc đáo, cá tính, kì vĩ, lịch sử.
Chào các bạn, tuần vừa rồi của mọi người thế nào?
Mình đã có một tuần quay lại với công việc hết sức là tất bật sau chuyến nghỉ dài.
Hôm nay, mình quay lại để tiếp nối chiếc Series khám phá Mỹ - Thành phố New York để chia sẻ với các bạn đây.
Ở phần đầu tiên, mình đã cùng đi qua về sự thú vị trong các thành phố New York quy hoạch - các phân chia khu vực, cấu trúc đường phố và những khoảng xanh - cũng là lý do đầu tiên khiến New York thú vị trong mắt mình.
US Trip Series #1 - Điều gì khiến New York là một thành phố thú vị? (P1)
Mình vừa kết thúc chuyến đi Mỹ gần 2 tuần. Cảm xúc thì rất nhiều, ảnh chụp thì vô vàn, còn sức lực thì... cạn kiệt, vì mình đã đi bộ rất nhiều và căng mọi giác quan để khám phá liên tục mỗi ngày trong chuyến đi.
Còn ngày hôm nay, mình sẽ kể các bạn lý do thứ 2 - Kiến trúc của thành phố New York.
**
New York là một thành phố với nhiều kiến trúc thú vị.
Đó là ý nghĩ đầu tiên khi mình bước chân lên đại lộ Lexington, bắt đầu khám phá Manhattan.
Hoá ra không phải chỉ mình nghĩ vậy :))
Georgie O'Keeffe, một hoạ sĩ Mỹ theo trường phái hiện đại đã từng vẽ nên rất nhiều tác phẩm được truyền cảm hứng từ thành phố này. Tình yêu đối với thành phố đã khiến bà tạo nên nguyên một bộ sưu tập mang tên "My New Yorks".
Tác phẩm: The Shelton with Sunspots, N.Y (1926). Tác phẩm tái hiện cảnh mặt trời phản chiếu trên toà nhà chọc trời - khách sạn Shelton. Thích thú giữa sự khổng lồ của toà nhà được xây dựng nhìn từ góc nhìn dưới đường phố, O'Keeffe đã tái hiện lại hình ảnh này kết hợp với ánh sáng chói loà của mặt trời phản chiếu trên toà nhà, tạo thành một bức tranh khắc hoạ sự kết hợp của một tác phẩm nhân tạo (toà nhà) và tự nhiên (mặt trời).
Gần gũi và hiện đại hơn, Lana Del Rey, một nữ ca sĩ, nhà sáng tạc nhạc người Mỹ không xa lạ của thế hệ 9x - 2x hiện nay, cũng từng chia sẻ:
"New York's architecture alone is enough to inspire a whole album. In fact, that's what happened at first - my early stuffs was mostly just interpretations of landscapes." - Lana Del Rey.
Với mình, nhắc tới kiến trúc của New York mình sẽ nhớ tới 3 điều: Những toà nhà gạch đỏ - Những toà nhà chọc trời - Những cây cầu lịch sử.
#1 Những toà nhà gạch đỏ
Ấn tượng đầu tiên của mình khi bước chân tới Manhattan, đi dọc các con đường và các đại lộ, là những toà nhà gạch đỏ (hay chính xác hơn là nâu đỏ) rất đặc trưng, thường thấy trong các bộ phim có bối cảnh ở New York.
Đây chủ yếu là những toà nhà đã có kiến trúc lâu đời, được xây dựng trong giai đoạn thành phố mở rộng nhanh chóng trong những năm 1870 - 1930 để đáp ứng việc dân số gia tăng chóng mặt.
Thực ra đỏ nâu không phải là màu duy nhất của những toà nhà gạch này. Cùng với chất liệu gạch & đá như vậy, những toà nhà với sắc thái màu khác xen lẫn trên đường phố và đều có một hình thái khá ngăn nắp và vuông vức.
Việc chất liệu chính của những toà chung cư, căn hộ này chủ yếu từ đá và gạch không phải một lý do ngẫu nhiên. Nguồn gốc của chúng xuất phát từ trận Đại hoả hoạn năm 1835, thảm hoạ hoả hoạn gây ra thiệt hại lên tới hơn 600 triệu USD về đất đai và nhà cửa, nếu tính theo giá trị ở năm 2023. Sau thảm hoạ ấy, thành phố đã chuyển từ gỗ sang dùng đá và gạch là vật liệu chính để xây dựng nhà cửa.
#2 Những toà nhà chọc trời
Những hình ảnh về thành phố New York - cụ thể là khu vực Manhattan - bên bờ sông với những toà nhà chọc trời có lẽ là một trong những hình ảnh biểu tượng nhất của thành phố này. Đây cũng chính là điều thứ 2 về kiến trúc của thành phố mà mình ấn tượng mạnh.
Ảnh: Flicker
Đi bộ dọc các đại lộ, các con đường ở Manhattan, bạn có thể bắt gặp rất nhiều toà nhà nổi tiếng. Một trong những toà nhà đó, nếu bạn là fan hoặc có từng xem Series nổi tiếng How I met your mother thì chắc hẳn bạn đã từng biết tới: Empire State Building.
Ảnh trên mạng - Wikipedia
[ảnh dưới lăng kính nghiệp dư của mình]
Empire State Building là một toà nhà có tính chất biểu tượng của NYC, được xây dựng từ năm 1930 theo phong cách Art Deco, toạ lạc tại phía nam của Midtown Manhattan. Đây cũng từng là toà nhà cao nhất thế giới cho tới trước năm 1970, cho tới khi toà đầu tiên của toà nhà World Trade Center được xây dựng. Sau sự kiện khủng bố 9/11/2001 vào toà nhà World Trade Center, Empire State Building tiếp tục là toà nhà cao nhất của thành phố New York cho tới khi bị vượt mặt bởi toà nhà One World Trade Center.
Một điều thú vị về toà nhà: thiết kế của toà nhà này đã được thay đổi 15 lần cho tới khi nó được chắc chắn sẽ là toà nhà cao nhất thế giới.
Empire State Building là một trong những toà chọc trời tiêu biểu thuộc khu vực Midtown Manhattan. Là khu trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, Midtown Manhattan còn được mệnh danh là "kinh đô của thế giới", quy tụ nhiều những toà nhà nổi bật nhất của thành phố. Ngoài Empire State Building, bạn còn có thể chiêm ngưỡng Chrysler Building, Rockerfeller Center complex, Brown Brothers Harriman Building, Bank of Tokyo Building, và nhiều toà nhà khác nữa.
[Từ trái qua phải: Chrysler Building (toà với tháp nhọn màu xanh), Rockerfeller Center, Brown Browthers Harriman Building, Bank of Tokyo Building]
Kế bên Midtown Manhattan là Lower Manhattan (Downtown) - khu trung tâm thương mại lớn thứ 3 của Mỹ - nơi từng được đánh dấu bởi toà tháp đôi World Trade Center trước sự kiện khủng bố 9/11. Sau này, khu vực này đã được xây dựng lại với toà tháp One World Trade Center nổi tiếng nằm trong khu complex World Trade Center mới.
[Toà One World Trade Center ban ngày và ban đêm]
One World Trade Center được xây dựng từ năm 2006, hiện là toà nhà cao nhất nước Mỹ, toà nhà cao nhất Tây bán cầu và là toà nhà cao thứ 7 trên thế giới. Toà nhà được xây dựng với phong cách kiến trúc đương đại, với 19 tầng đầu được xây dựng bằng bê tông cùng cấu trúc không cửa sổ (nhằm bảo vệ khỏi xe tải bom cũng như các hình thức tấn công từ mặt đất), và tầng 20 trở lên được bao phủ bởi kính với tạo hình tổng thể thành 1 hình bát giác hoàn hảo, tạo thành từ 8 hình tam giác lớn.
Cùng trong khu vực World Trade Center còn có toà nhà World Trade Center Transportation Hub - ga tàu điện ngầm từng được mệnh danh là "ga điện ngầm đắt nhất thế giới" với chi phí xây dựng lên tới gần 4 tỷ đô. Ga có phần mái vòm kết nối với mặt đất, được gọi là Oculus, được thiết kế khiến toà nhà nhìn giống hình ảnh chim bồ câu sải cánh.
[World Trade Center Transportation Hub - Kiến trúc bên ngoài và thiết kế bên trong]
Mình tình cờ đi vào trong toà nhà này vì tò mò, và thực sự choáng ngợp với thiết kế của nó.
Ngoài những toà nhà kể trên, NYC còn có nhiều toà nhà khác với kiến trúc thú vị và lịch sử lâu đời. Đi bộ giữa thành phố, mình thực sự cảm thấy "mãn nhãn".
[Và một vài hình ảnh khi đi giữa thành phố, tràn ngập những toà nhà cao tầng]
#3 Những cây cầu lịch sử
Ngoài những toà nhà, khi nói về kiến trúc, cũng không thể không nói tới những chiếc cầu có lịch sử lâu đời ở NYC.
Hai chiếc cầu (mà mình cho là) nổi tiếng nhất với du khách khi tới với NYC là Manhattan Bridge và Brooklyn Bridge.
[Ảnh chụp Manhattan Bridge tại DUMBO - một góc phố "signature" để chụp cây cầu này. Bạn có thể từng thấy hình ảnh góc này của Manhattan rất nhiều lần rồi, thì đó cũng là được chụp từ khu vực DUMBO này đó!]
[Ảnh chụp Brooklyn Bridge]
Cầu Manhattan được xây dựng từ năm 1901, trong khi Cầu Brooklyn được xây dựng từ lâu đời hơn - năm 1869. Cả 2 đều là cầu treo, được bắc qua sông Đông (East River), nối liền giữa hai khu vực là Brooklyn và Manhattan.
Cầu Brooklyn được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Gothic, với những toà tháp được xây dựng hoàn toàn bằng đá granite. Vào thời điểm xây dựng, Brooklyn là cây cầu treo dài nhất thế giới, và cũng là một trong những cây cầu có lịch sử lâu đời nhất nước Mỹ. Hiện tại, cầu Brooklyn đã được công nhận là danh thắng lịch sử quốc gia và có thể coi là một biểu tượng vượt thời gian.
[Ảnh chụp cầu Brooklyn]
Cầu Manhattan là cây cầu trẻ nhất ở sông Đông và là một trong những cây cầu đầu tiên sử dụng lý thuyết độ võng để làm cứng mặt cầu, được coi là tiền thân của những chiếc cầu treo hiện tại. Từ phía cầu Manhattan, có thể ngắm nhìn cầu Brooklyn cũng như về phía Manhattan sầm uất.
[Ảnh chụp cầu Manhattan]
Cả hai cây cầu này đều cho phép người đi bộ hoặc đi xe đạp qua, do vậy du khách hay người dân cũng đều có thể thoải mái trải nghiệm và ngắm cảnh trên hai cây cầu này. Trong chuyến đi, mình đã tranh thủ đi bộ trên cây cầu Brooklyn chiều Brooklyn-Manhattan. Dù đi bộ giữa trưa nắng gần một tiếng đồng hồ, với mình đó vẫn là một trải nghiệm xứng đáng để được tìm hiểu về cây cầu, được ngắm nhìn dòng sông Đông rộng lớn, nhìn thành phố New York sầm uất, và đơn giản là để trải nghiệm cây cầu thôi.
[Ảnh chụp cầu Brooklyn trên con đường đi bộ trên cầu]
Ngoài hai cây cầu này, thành phố New York cũng có rất nhiều cây cầu nổi tiếng khác, như cây cầu Williamsburg, Cầu Queensboro, hay cầu Hell Gate mình có nhắc tới ở bài trước.
**
Ngoài những điểm chính mình đã chia sẻ ở trên, sự độc đáo và thú vị về kiến trúc ở thành phố New York còn có thể nhìn thấy ở các nhà ga, các bảo tàng, hay thư viện thành phố.
[Hai nhà ga nổi tiếng: Grand Central, Penn Station]
[Bảo tàng Guggenheim]
[New York Public Library]
Được đắm mình trong những kiến trúc thú vị như vậy khiến mình mê mẩn thành phố này và có thêm động lực để khám phá nó mỗi ngày trong suốt chuyến đi.
**
Tổng kết:
New York, với những nét kiến trúc độc đáo và mang tính biểu tượng, là một sự tổng hoà của lịch sử và hiện đại được khắc hoạ trên từng toà nhà, từng cây cầu, từng công trình xây dựng. Nhớ về New York là nhớ tới hình ảnh những toà nhà gạch ngăn nắp san sát, những toà nhà chọc trời mang dấu vết thời gian, những cây cầu không những mang tính biểu tượng mà còn đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của thành phố.
Trải nghiệm về kiến trúc, cũng là trải nghiệm về lịch sử và văn hoá.
Tuy nhiên, để trải nghiệm và hiểu sâu hơn về văn hoá của một nơi, thì kiến trúc chưa phải là tất cả.
Và vì mình muốn hiểu sâu hơn về thành phố này, khám phá nhiều hơn về màu sắc của nó, nên mình đã trải nghiệm thêm các địa điểm và hoạt động khác ở nơi đây: các loại bảo tàng và nhạc kịch Broadway. Đặc biệt, với bảo tàng, dù không phải một người quá yêu thích và rành về nghệ thuật, mình đã nhận ra nhiều điều thú vị nhờ trải nghiệm những bảo tàng ở Mỹ. Một trong những điều quan trọng nhất mình nhận ra là: ở New York có bảo tàng phù hợp với tất cả mọi người!
Và mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn ở phần tiếp theo nhé! Hẹn gặp lại các bạn ở phần 3.
—
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
đẹp mê xỉu chị ui <3 đọc đoạn Empire State Building đổi thiết kế 15 lần để ensure title the highest building mà thấy hơn thua ghê haha :)) Bảo tàng Guggenheim em cũng được biết tên nhờ đọc cuốn Origin của Dan Brown mà giờ mới được thấy ảnh :)) cảm ơn chị Chloe vì bài siu tâm huyết, em hóng P3 ạ