Vì sao mình thích The Hunger Games: The Ballad of Songbirds & Snakes
Và khắc hoạ về bản chất con người.
*Lưu ý: bài viết có tiết lộ nội dung, tình tiết và kết thúc của bộ phim, nên nếu bạn đang có dự định xem phim mà không muốn biết trước tình tiết phim thì chưa nên đọc nhé.
Bài viết hôm nay được lấy ý tưởng từ một bộ phim mình khá thích, tuy bộ phim không được đánh giá cao về cách làm phim và triển khai lắm.
Nguồn: Spotify
Vì không phải người làm phim, cũng phải người hiểu sâu về kĩ thuật hay nghệ thuật phim ảnh, nên mình sẽ không tập trung vào phân tích phim nhiều, mà đi sâu hơn vào lí do mình thích và chủ đề ở đằng sau điểm mà mình nghĩ bộ phim đã làm khá tốt - tái hiện về sự phát triển tính cách của một con người và đặt ra câu hỏi về bản chất của con người.
Có 2 điểm khiến mình thích bộ phim này:
1. Nhạc hay.
Tuy bị nhận xét là những đoạn phim có nhạc được ghép vào khá khiên cưỡng, khiến cho bộ phim bớt tính thực tế và tạo cảm giác như đang xem phim ca nhạc, nhưng không thể phủ nhận là chị diễn viên chính hát rất hay. Giọng hát đầy nội lực, cảm xúc, và sự luyến láy cũng rất ma mị.
Một trong những bài mình rất thích trong phim, “The Ballad of Lucy Gray Baird”, các bạn có thể nghe thử dưới đây. (Tuy nhiên nếu được, mình vẫn khuyến khích mọi người xem phim để cảm nhận bài hát được trọn vẹn, vì cá nhân mình thấy có rất nhiều bài hát khi đặt đúng bối cảnh (VD: trong một đoạn của bộ phim) mới có thể thể hiện được chính xác nhất cảm xúc mà nó muốn truyền tải)
2. Sự phát triển về tính cách của nhân vật Snow - một nhân vật chủ đạo của phim. Đây cũng là lý do chính mình thích bộ phim
Nếu bạn chưa xem bộ phim này, nhưng đã từng xem 3 phần phim trước của Hunger Games với Jennifer Lawrence đóng vai chính, hẳn bạn cũng đã biết Snow là nhân vật phản diện và khá thiếu nhân tính. Tuy nhiên, ở phần phim tiền truyện này, nhân vật Snow lại có-vẻ-không-tệ-đến-thế, ít nhất là từ xuất phát điểm. Còn sau đó tới cuối phim thế nào, thì hẳn các bạn cũng đoán được rồi.
Để cho dễ hiểu hơn, mình sẽ tóm tắt lại chút về bối cảnh của bộ phim.
**
The Hunger games là bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Suzanne Collins, kể về một đất nước độc tài toàn trị tên là "Panem". Vùng đất "Panem" này được thống trị bởi một thủ đô Capitol xa hoa, tráng lệ và hiện đại. Ngoài Capitol còn có 13 quận (sau chỉ còn lại 12 quận) chịu sự thống trị của Capitol, và các quận đều rất khó khăn và nghèo đói.
Bộ phim The Hunger Games: The Ballad of Songbirds and Snakes lấy bối cảnh ở Panem, một thời điểm mà xã hội Panem được coi là đang ở giai đoạn bấp bênh về mặt đạo đức, và những Đấu trường sinh tử đầu tiên đang được diễn ra. Trò chơi sinh tử là một chương trình truyền hình thực tế diễn ra hàng năm mà ở đó Capitol sẽ chọn những chàng trai, cô gái từ 12 quận làm vật tế để tham gia trò chơi, giết chóc lẫn nhau để giành cơ hội chiến thắng và được sống sót.
Trong phần phim này, hai nhân vật trung tâm là chàng trai Snow tới từ Capitol và cô gái Lucy Gray tới từ Quận 12. Mối quan hệ của hai người xuất phát điểm là cố vấn - vật hiến tế, rồi dần dần giữa cả hai nảy sinh tình cảm sâu nặng.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cuối cùng đã không thành, dẫn tới kết thúc là Snow trở thành người dẫn đầu của Capitol và tiếp tục tiến hành tổ chức các mùa tiếp theo của Trường đấu sinh tử.
**
Mô tuýp một con người khởi đầu không xấu, nhưng trải qua một quá khứ phức tạp và khổ đau, họ lại trở thành những người có thể làm những điều rất khủng khiếp, có lẽ cũng không phải điều quá xa lạ trong các bộ phim. Một trong những nhân vật được khắc hoạ theo cách này tốt mà mình rất thích là Wanda Maximoff - Scarlett Witch.
Đối với nhân vật Snow, mình lại không nghĩ câu chuyện chỉ là như vậy. Và câu hỏi đặt ra là, liệu có phải việc mối quan hệ này bất thành chính là một biến cố sâu sắc, khiến cho Snow trở thành một kẻ tàn bào, vô nhân tính như sau này không?
Có, và không.
Có ở đây là việc mối quan hệ bất thành đã tác động mạnh mẽ tới Snow, bởi anh đã đặt rất nhiều tình cảm và kỳ vọng vào Lucy Gray.
Nhưng không ở đây, là bản thân Snow vẫn luôn không phải một người tốt đơn thuần. Hay nói cách khác, Snow không phải là một người đơn giản, và đã luôn có những dấu hiệu thể hiện điều đó.
Điều đó cũng khiến mình nảy lên câu hỏi:
Có hay không, việc bản chất một con người là tốt hay xấu, đã được định sẵn trong tính cách?
**
Tách khỏi bộ phim một chút, thì đây là một câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều thế hệ, bởi rất nhiều nhà khoa học, nhà tâm lý học, các cuộc nghiên cứu và tranh luận lớn nhỏ. Nhiều ý kiến đã được nêu lên, những phân tích chuyên sâu, những cuộc thí nghiệm được tạo ra để chứng minh rằng bản chất con người là tốt, hoặc là xấu, hoặc thậm chí không tốt cũng không xấu.
Luồng quan điểm 1 - bản chất con người là tốt
Mạnh Tử là một trong những người có quan điểm và niềm tin rằng con người về bản chất là tốt đẹp.
As for what they are inherently [_qíng_], they can become good. This is what I mean by calling their natures [_xìng_] good. As for their becoming not good, this is not the fault of their potential. Humans all have the feeling [_xīn_] of compassion [...] Benevolence, righteousness, propriety, and wisdom are not welded to us externally. We inherently have them. It is simply that we do not reflect upon [_sī_] them.
(Nguồn: Van Norden 2008, 149)
Diễn giải theo ý của Mạnh Tử, bản chất con người là tốt bởi vì trở thành người tốt là kết quả của việc phát triển khuynh hướng bẩm sinh của con người hướng tới lòng nhân từ, sự chính trực, trí tuệ và sự đúng mực. Đó đều là những điều có sẵn trong mỗi người, chỉ là họ có thực sự để tâm để phát triển chúng hay không.
Khoa học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu và phân tích về bản chất tốt đẹp của con người.
Có một cuộc nghiên cứu từ một nhóm các nhà nghiên cứu ở Đại học Harvard và Yale đã cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách tìm câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể hơn: liệu bản năng của con người, hay "first instinct", là hành động ích kỷ hay hợp tác. Trong bối cảnh của cuộc thí nghiệm này, những hành động ích kỷ mang tính chất không tốt, do có thể ảnh hưởng xấu tới người khác, trong khi những hành động hợp tác sẽ mang tới lợi ích chung, vì vậy chúng mang tính chất tốt.
Kết quả của cuộc thí nghiệm này cho thấy, có vẻ như con người thường có xu hướng bản năng đầu tiên là hợp tác thay vì ích kỷ hơn, và vì vậy, nó có thể là một bằng chứng về việc bản chất của con người là tốt.
If human nature is something we must be born with, then we may be neither good nor bad, cooperative nor selfish. But if human nature is simply the way we tend to act based on our intuitive and automatic impulses, then it seems that we are an overwhelmingly cooperative species, willing to give for the good of the group even when it comes at our own personal expense.
(Nguồn: Scientists Probe Human Nature -- and discover we are good, after all)
Vậy những người tin là bản chất con người là xấu thì sao?
Luồng quan điểm 2 - bản chất con người là xấu
Tuân Tử, một nhà Nho giáo, nhà tư tưởng của Trung Quốc cuối thời Chiến Quốc đã bàn luận về điều này trong cuốn sách của mình.
The nature of man is evil, and his good is artifice (偽). The nature of human beings is born with the desire for profit, and in obedience to this, the competition is born and the resignation dies; born with the desire for disease and evil, and in obedience to this, the cruelty of thieves is born and the faithfulness dies; born with the desire of the ears and eyes, and the desire for sex, and in obedience to this, the obscenity is born and the rituals of justice and literature die. Then, from the nature of people, obedience to human feelings, must be out of the competition, in line with the violation of the division of chaos, and return to the tyranny, so there must be the teacher of the law, the way of ritual and justice, and then out of the resignation, in line with the rationale, and return to the rule. In this view, then, the human nature of evil, clear. The good is also artifice
(Nguồn: Sách Human Nature Is Evil)
Theo quan điểm của Tuân Tử, bản chất của con người không thể được coi là tốt, và những việc làm tốt của con người là xuất phát từ những lựa chọn chủ động - "conscious actions" - thay vì là những lựa chọn bản năng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, con người có thể biến đổi ("transform") để trở nên tốt.
Mình cũng muốn tìm thêm một số luận điểm, hay thí nghiệm, để chứng minh luận điểm này. Tuy nhiên, mình khá ngạc nhiên là những luận điểm về việc con người về bản chất là xấu không có quá nhiều (mình nghĩ câu hỏi này sẽ có nhiều tranh luận từ cả hai phía hơn). Có thể nếu mình dành thêm thời gian để tìm hiểu, mình có thể tìm thấy nhiều luận điểm và quan điểm ở phía này hơn, nên nếu có mình sẽ chia sẻ ở một bài khác nhé.
Và những luồng quan điểm khác
Ngoài 2 luồng quan điểm chính này, 2 luồng quan điểm khác mà mình thấy cũng khá được quan tâm và được nhắc tới khá nhiều, đó là
1. Bản chất con người không tốt, cũng không xấu, và
2. Bản chất con người là vừa tốt và cũng vừa xấu
Điểm chung của 2 luồng quan điểm này xoay quanh việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bởi các yếu tố như THỜI ĐIỂM, HOÀN CẢNH và XÃ HỘI khi đó. Sẽ khó để đánh giá được con người và hành động của họ nếu không xét theo cả một bối cảnh rộng lớn tác động và chi phối tới những suy nghĩ, quan điểm và hành động của họ.
Tuy vậy, điều đó chi phối bao nhiêu, và chi phối như thế nào, từ bản chất của họ? Đó vẫn sẽ còn là một câu hỏi khó để có thể có một câu trả lời chính xác.
**
Quay lại với bộ phim, vậy bản chất của nhân vật Snow thực sự là tốt hay xấu?
Sẽ khó để khẳng định điều đó, nhưng những dấu hiệu về mặt không-mấy-tốt-đẹp của Snow đã bắt đầu từ trước khi mối quan hệ giữa Snow và Lucy Gray không thành.
Trong cách suy nghĩ, Snow luôn coi mình thượng đẳng so với những người từ các quận. Dù cho sau này gặp Lucy Gray và có thời gian thực sự sống, trải nghiệm và chứng kiến cuộc sống bất công, khổ sở tại các quận, Snow vẫn luôn mong ngóng được quay trở lại Capitol. Snow vẫn luôn bình thản về những gì Capitol làm, hay những gì diễn ra ở Capitol.
Dù luôn giúp đỡ và thật lòng quan tâm Lucy Gray, Snow vẫn luôn có một động cơ mạnh mẽ hơn: khoản tiền từ giải thưởng danh giá khi chiến thắng Đấu trường sinh tử.
Để bảo vệ bản thân khỏi bị một "vật tế" tấn công, Snow đã đánh lại khiến "vật tế" ngã khuỵu. Nhưng ngay cả khi họ không còn tấn công nữa, Snow tiếp tục tấn công khiến người đó phải bỏ mạng.
Tổng cộng, dù không chủ ý giết người, nhưng Snow đã khiến 3 người chết. Dù để bảo vệ bản thân, hay để bảo vệ người mình thương, hay do sự bất cẩn, điều đó vẫn là một sự thật đáng hổ thẹn. Hơn thế nữa, Snow đã không nói thật với Lucy Gray - người coi trọng niềm tin ("trust") hơn tất thảy, hơn cả tình yêu - về số người thực sự đã phải chết do Snow.
Với những dấu hiệu tiềm tàng len lỏi xuyên suốt phim như vậy, ngay từ đầu, Snow khó có thể được coi là một nhân vật chính diện, một "người tốt".
Và với cách khắc hoạ nhân vật Snow như vậy, đối với mình, đây vẫn là một bộ phim thú vị và đáng để xem. Phim đã khắc hoạ một góc nhìn về bản chất và tính cách của con người qua nhân vật Snow qua từng giai đoạn rất rõ rệt. Việc khắc hoạ về bản chất con người như vậy là đúng hay sai, mình sẽ không đánh giá. Đơn giản, mình cảm thấy cách khắc hoạ này hợp lý và thú vị.
Để kết thúc bài viết hôm nay, gửi tặng các bạn một đoạn trong một bài hát khác của phim:
Everyone's born as clean as a whistle
As fresh as a daisy
And not a bit crazy
Staying that way's a hard row for hoeing
As rough as a briar
Like walking through fire
This world, it's dark
This world, it's scary
I've taken some hits, so
No wonder I'm wary
It's why I
Need you
You're as pure as the driven snow
Everyone wants to be like a hero
The cake with the cream, or the doer not dreamer
Doing's hard work, but it takes some to change things
Like goat's milk to butter
Like ice blocks to water
This world goes blind
When children are dying
I turn into dust, but
You never stop trying
It's why I
Love you
You're as pure as the driven snow
—
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Theme chính của bài này là về bản chất con người ;) Hunger Games chỉ là làm nền và may quá toi k sợ bị spoil nên k bỏ lỡ 1 bài hay 💪🏼
e cũng đã xem bộ phim này và đọc full 3 tập của The Hunger Games, fan cứng lun ạ. Câu hỏi c đặt ra cũng thought-provoking, cảm ơn c về bài viết ạ